Bán hàng – Những kinh nghiệm không bao giờ cũ

Đối thủ luôn… mạnh hơn
Nhìn ở một góc độ nào đó, các đối thủ luôn có điểm mạnh hơn mình. Xét về lĩnh vực bán hàng, điểm mạnh về tiềm lực tài chính chưa hẳn đã tốt hơn khả năng thấu hiểu thị trường, phương pháp tiếp cận người tiêu dùng ở những góc độ và thời điểm thuận lợi cho việc mua sắm của họ nhất. Thời gian qua, nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi đã xuất hiện ở TPHCM. Dù là mô hình kinh doanh nhượng quyền của nước ngoài, tên cửa hàng bằng tiếng nước ngoài, nhân viên mặc đồng phục rất chuyên nghiệp… nhưng xét cho cùng thì đây cũng chỉ là những tiệm tạp hóa “lên đời”. Họ hướng đến sự phục vụ thân thiện với khách hàng bằng những cửa hàng sạch đẹp, hàng hóa trưng bày bắt mắt, nhân viên tiếp đón ân cần… Họ tạo sự tiện lợi trong việc mua sắm bằng cách xuất hiện ở những vị trí đắc địa, giữ xe miễn phí, giá cả niêm yết rõ ràng…

Đối thủ của bạn luôn mạnh hơn?

So với những cửa hàng tạp hóa truyền thống, họ có lợi thế nhiều hơn trong việc tiếp cận những khách hàng thuộc giới văn phòng, có thu nhập từ khá trở lên, không có nhiều thời gian mua sắm một số mặt hàng thiết yếu trong ngày… Tuy nhiên, điểm mạnh vừa nêu cũng có thể là điểm yếu. Trước hết, do chú trọng vào việc chiếm lĩnh các vị trí đẹp trên đường, họ có thể bỏ lỡ cơ hội phục vụ cư dân trong các con hẻm. Nhiều đường hẻm ở TPHCM dài, lối đi ngoắt ngoéo, ăn thông sang nhiều con đường, hẻm ở các phường, quận khác…
Trong khi thói quen mua tạp hóa không giống như việc mua sắm định kỳ ở siêu thị. Người ta có thể đang làm công việc nhà, đang nấu ăn và chợt thấy thiếu một thứ gì đó. Lúc đó, họ sẽ cảm thấy các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ trong hẻm tiện lợi hơn!
Kế đến, do hướng đến phục vụ sự tiện lợi, các cửa hàng tiện lợi thường tập trung vào việc trưng bày hàng bắt mắt nhằm lôi cuốn sự chú ý của khách mua sắm, đồng thời chỉ đáp ứng một số nhu cầu cần thiết của người tiêu dùng. Điều này tất yếu dẫn đến khả năng nguồn hàng của họ không đa dạng, trong khi tiệm tạp hóa thường kinh doanh theo lối “nhà kho chứa hàng” nên hầu như hàng hóa nào họ cũng có thể phục vụ.
Chưa kể, mô hình kinh doanh “nửa siêu thị, nửa tạp hóa” của các cửa hàng tiện lợi còn khiến giá bán luôn mắc hơn các tiệm tạp hóa. Có thể nhiều chủ cửa hàng tiện lợi cho rằng người tiêu dùng phải trả giá cao hơn để được phục vụ sự thuận tiện trong mua sắm. Điều này nói chung là đúng, nhưng trong nghề bán lẻ, khách mua hàng thường rất quan tâm đến những điều nhỏ lẻ. Chẳng hạn, khi giá bán của anh cao hơn đối thủ chỉ 1.000 đồng; khi nhân viên tính tiền làm tròn số lẻ 200 đồng thành 500 đồng trong phiếu tính tiền của khách thì biết đâu nhiều người chẳng tiện nói ra nhưng họ đã ngầm bất mãn và tẩy chay!

Nguồn: –st–

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *